Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

3 Ngày Đến Với Các Em Nhỏ


(Kim Trân, Bạch Mai, Cẩm Xuân, thầy Tam Nhiều, cô Ngọc Mai, Bạch Nga, Tài, Huỳnh Điền)

Ngày 05 tháng 7 năm 2013

Một đêm ngủ chập chờn  vì nôn nóng cho một chuyến đi. 3 giờ sáng chúng tôi thức dậy để chuẩn bị lên đường. Vệ sinh cá nhân khoảng 30 phút chúng tôi ra khỏi nhà đến điểm lấy xe. Đúng 4 giờ xe dừng điểm thứ nhất đón hai bạn Bạch Nga và Kim Trân. Xe lại khởi hành đến phường 7 Thành phố Bến Tre đón cô Ngọc Mai và cả đoàn chúng tôi tiến thẳng đến Thành phố Hồ Chí Minh đón thầy Tam Nhiều ở phía bên kia hầm Thủ Thiêm. Lúc nầy, đoàn chúng tôi gồm 6 người mỗi người đều cùng có một nét mặt hân hoan. Xe chạy bon bon thẳng tiến đến Thành phố Bảo Lộc đây là điểm dừng chân thứ nhất theo kế hoạch từ thiện của Hội ACWP & Cựu thanh niên Hồng Thập Tự. Trên đường 6 thầy trò chúng tôi chuyện trò rất vui vẻ và cảm thấy như là một gia đình ấm cúng và tràn đầy hạnh phúc. Đoàn chúng tôi đến nhà bạn Hữu Ngọc ở số 67 đường Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Bảo Lộc. Đây là người bạn trong CLB Cựu thanh niên Hồng Thập Tự Bến Tre của chúng tôi. Anh là người được phân công tìm đối tượng nhận từ thiện ở Thành phố nầy. Thăm viếng gia đình bạn Hữu Ngọc xong đoàn chúng tôi tìm điểm ăn trưa và đến Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật Thị Nghè Chi nhánh 2, Thành phố Bảo Lộc. Tại đây chúng tôi được một bảo mẫu và một bà phước đón tiếp cùng hơn 70 người khuyết tật, hơn 2/3 là trẻ em. Nơi đây có 2 dãy nhà lớn chung quanh có hàng rào dăm bụt bao bọc, có sân trồng rau xanh và hoa, cây cảnh trông rất đẹp mắt. Quà chúng tôi mang đến bao gồm xà bông tắm-giặt, mì gói, đường, sữa, kem- bàn chảy đánh răng, thuốc cảm sốt, quần áo cũ. . . trị giá 10.025.000 đồng. Tại đây chúng tôi được biết đa số các em bị thiểu năng trí tuệ. Nuôi day các em rất khó. Chúng tôi chụp vài bức ảnh lưu niệm với các em trong trung tâm nầy.

     (Chụp chung với các em khuyết tật)                       (một trong những các em khuyết tật)

Rời Thành phố Bảo Lộc khoảng 2 giờ trưa, chúng tôi đi thẳng đến Đà Lạt để chuẩn bị cho điểm đến ngày mai. Ra khỏi Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật chúng tôi còn hình  dung những gương mặt ngây ngô, những thân hình không hoàn chỉnh mà cảm thấy nao lòng. Trên đất nước Việt Nam nhỏ bé của chúng ta còn bao nhiêu hình ảnh như thế nữa. Khả năng chúng tôi không thể nào đến với những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước được nhưng dù sao công việc của chúng tôi cũng phần nào xoa dịu một số nhỏ mảnh đời khốn khó, cùng cực. Chúng tôi đến Đà Lạt lúc 4 giờ 15 phút chiều cùng ngày. Sau 13 tiếng đồng hồ trên đường ai nấy đều thấm mệt. cả đoàn nhận phòng để tranh thủ nghỉ ngơi. Ăn chiều xong cùng nhau chia  50 phần quà cho chuyến đi từ thiện vào sáng ngày mai. Đêm nay ngủ có lẽ ngon lắm đây. Thời tiết se lạnh chúng tôi rút vào tấm chăn bông, nằm trên nệm ấm và cùng kể chuyện ngày còn cắp sách đến trường. Bây giờ chúng tôi đã ngoài 50, Thầy và Cô cũng hơn 70 cùng có ý nguyện sống thật đẹp cho đời, cùng chia sẻ tình thương với những trẻ em nghèo bất hạnh.

Ngày 06 tháng 7 năm 2013.



Đi một ngày đường xa xôi, chúng tôi lạ chỗ không ngủ được nên cả đoàn dậy sớm. Nhìn ra cửa phòng ngủ trên mặt kiếng bám đầy hơi nước sau một đêm trở lạnh. Thành phố còn sương mù, ai đó vừa mở một cánh cửa, hơi lạnh lùa vào sau một đêm ấm áp làm cho chúng tôi thoáng rùng mình, không vì vậy chúng tôi ra hiên hít thở không khí trong lành của núi rừng ban tặng. Chúng tôi cùng xuống phố tìm thức ăn sáng. 8 giờ chúng tôi chất quà lên xe và rời thành phố đi đến làng Darahoa ở huyện Đức Trọng. Xe chạy men theo sườn đồi trên cung đường lát nhựa. Chúng tôi đi tắt vào Hồ Tuyền Lâm, Nơi đây cảnh quan rất đẹp, những ngôi biệt thự  được xây dựng mới trên các triền đồi tạo nên nét chấm phá làm vỡ đi sự huyện bí của đại ngàn mà thay vào đó là sự có mặt của số đông con người sẽ hiện diện trong tương lai. Xe chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong rừng. Đến một khúc ngoặc xe chúng tôi lên một con dốc đứng làm chúng tôi nín thở. Hết con dốc một đoạn ngắn nữa phía trước mặt có một cánh cổng đơn sơ làm bằng gổ người địa phương cho biết đây là cửa rừng. Qua cửa rừng  là một tảng đá lớn do con người tạo ra mang dáng dấp con Voi nằm phục bên vách núi mặt hướng ra cửa rừng. Theo như lời kể của chị Huyền Đông Sương đây là con Voi có nhiệm vụ gìn giữ tài sản của những người đi đến đây. Sau lưng con Voi có một cây cầu được làm bằng gổ rừng bắt qua 1 dòng suối dài chừng 10 mét. Cây cầu hẹp vừa 1 chiếc xe 7 chổ đi qua mà còn cong theo vách núi. 




Cả đoàn phải xuống xe để qua cầu. Xe qua cầu chúng tôi nhìn theo thấy xe nhít từ từ len qua từng mảnh gổ lót dưới sàn cầu, chúng tôi hồi hộp và reo vui khi xe qua được bên kia cầu. Đoàn chúng tôi được biết đây là một cây cầu vào rừng khó khăn nhất, còn vài km nữa sẽ đến làng Darahoa. Chúng tôi tiếp tục vào rừng. Xe chay rất chậm vì một bên vách núi, một bên vực sâu. Cây rừng che phủ ánh nắng mặt trời, người dẫn đường cho biết gần tời điểm dừng xe. Xe dừng và chúng tôi lội bộ tiếp vì đường hẹp khó đi. Quà mang theo phải dùng xe 2 bánh chuyên chở, Anh thanh niên dân tộc K’ho và anh Tài thành viên của đoàn tải quà vào lớp học. Đường khó đi lầy lội bởi cơn mưa chiều qua, xe 2 bánh chạy men theo sườn đồi đi bộ còn khó chứ nói vì chạy xe. Chúng tôi tiếp tục đi qua dòng suối nhỏ,  hai bên nối liền bằng một cây cầu gổ. Nhìn bao quát, những tán cây thông cổ thụ cao vút sừng sững nối tiếp nhau tạo thành một bức tranh huyền bí của núi rừng. Dưới chân chúng tôi tiếng suối chảy róc rách mang hơi nước mát lạnh hoà với thiên nhiên hùng vĩ làm cho chúng tôi quên đi sự hồi hộp khi lên dốc và xe qua cầu. Trong đoàn có cô giáo Ngọc Mai và thầy Tam Nhiều tuy tuổi đã cao nhưng thầy cô cảm thấy không khí trong lành mát mẻ của núi rừng tạo cho thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Hoà lẫn vào tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng cục cục của gà rừng, tiếng thông reo, tiếng vang của núi rừng làm cho các thành viên khác trong đoàn cùng có một ý nghĩ đang đi du ngoạn dã ngoại trong thời trẻ của học sinh. Chúng tôi đi lên đồi theo con đường mòn, ở đây có những ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc của người dân tộc, mái lợp tranh, vách bằng tre nứa, sườn nhà bằng gổ rừng. Nơi chúng tôi nghỉ chân bên trong ngôi nhà rất khang trang có bài trí những vật dụng cồng chiêng, ché rượu cần . . . của người dân tộc.

          
     (thầy Tam Nhiều, Bạch Nga, Kim Trân, Cẩm Xuân,                             (thầy Tam Nhiều, Cô Ngọc Mai, Bạch Nga,
                                chị Đông Sương, cô Ngọc Mai)                                           Cẩm Xuân, Kim Trân, chị Đông Sương,
                                                                                                             phía sau: Tài, Bạch Mai)

Đây là nơi nghỉ chân của du khách, có phục vụ ăn uống khá tiện nghi. Chúng tôi quan sát phía trên ngọn đồi có những ngôi nhà nhỏ, to, vài ngôi nhà ở tận ngọn cây cao, đựơc biết nơi đây có dành cho những khách du lịch thích mạo hiểm, chinh phục độ cao và tìm hiểu cuộc sống nơi rừng sâu ít người đến. Nghỉ ngơi một lúc sau những ly trà artichau nóng hổi, chúng tôi lại tiếp tục theo chân chị Huyền Đông Sương, Chị là người hướng dẫn các em nhỏ vùng nầy vào được nề nếp xóa mù chữ cho các em hơn 10 năm qua, sức khỏe của chị rất tốt và nhanh nhẹn nếu chị không nói thì chúng tôi đâu biết đến nay chị đã 64 tuổi. Từng bước lên đồi leo lên từng bậc đá để đến 1 lớp học trên một phần dốc của ngọn đồi. Lớp học của các em dân tộc K’ho thuộc làng Darahoa, Tỉnh Lâm Đồng. Tuy cách thành phố Đà Lạt có một bên hồ Tuyền Lâm  nhưng lớp học lại đơn sơ. Ngôi nhà dài chừng 10 mét rộng 5 mét chia làm 2 gian, cũng sàn gổ, mái tranh, vách tre, bàn học thì mỗi cái mỗi kiểu, đứng ở ngoài cửa lớp nhìn được gian bên kia thông qua 1 cửa lớp ở vách ngăn nhưng ở đây được xếp cho các em học từ lớp 1 đến lớp 5 của bậc tiểu học. Đảm trách các lớp học là 1 cô giáo trẻ, chưa đến 30 tuổi, cô giáo Hân người có công gầy dựng lớp học vừa là cầu nối của phòng Giáo dục vừa chăm lo dạy cho các em biết chữ, Các em đến được lớp học nầy chị Huyền Đông Sương cho biết phải trãi qua bao nhiêu vất vã, phải mất đến 10 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm nương rẩy với người dân tộc trong một thời gian dài, tạo mối quan hệ gia đình được tin tưởng như một già làng thì người dân tộc mới chịu giao trẻ con cho chị dạy học. Đến lớp, các em chào chúng tôi bằng tiếng dân tộc và tiếng kinh rất rõ ràng. Lớp có 50 em học sinh của 5 bậc học, nhưng cả 50 gương mặt đều hồn nhiên, ngây thơ rất đáng yêu. Đập vào mắt tôi trước tiên và gây ấn tượng nhất là đôi ủng của cô giáo Hân và những đôi ủng nhỏ xíu của các em học sinh. Có lẽ đây là điểm nhấn ấn tượng đặc biệt của lớp học vùng cao vào mùa mưa. Vào mùa mưa thì nơi đây có rất nhiều con vắt, phải mang ủng để tránh vắt đeo và an toàn trên đường lầy lội. Nét ấn tượng kết tiếp của chúng tôi là có những em học sinh nhỏ tuổi với đôi chân bé xíu, mang đôi dép to và dài ví như nụ hoa nhỏ nở trên một dài hoa to tướng, phải chăng đây là sự thiếu thốn buộc các em phải thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Quà chúng tôi mang đến cho các em do Hội ACWP tài trợ gồm 50 phần quà trong đó mỗi phần có 1 chiếc áo gió 2 lớp màu đen, màu đỏ, có in tên “Hội ACWP thân tặng”, 5 quyển tập, 2 cậy viết, 1 đôi dép, bánh kẹo, ngoài ra còn có thuốc tẩy giun sán, thuốc cảm sốt, thuốc vệ sinh phụ khoa dành cho các em gái. Nghe các em thì thào có nhiều kẹo bánh lắm làm tôi thấy nao lòng. Chị Huyền Đông Sương kể lại để động viên các em phát biểu thì mỗi lần phát biểu sẽ được 1 cái kẹo, em được kẹo quay xuống lêu lêu các bạn khác xung quanh. Đến đây tôi được gặp 4 sinh viên người Singapo trẻ măng gồm 2 nam 2 nữ đi du lịch và tìm đến dạy tiếng Anh cho các em được vài tháng, các sinh viên day học áp dụng theo phương pháp trực quan bằng hình ảnh để cho các em tiếp thu nhanh bài học. Được quà các em đều mặt nhanh chíếc áo gió và đội mủ của áo vào mới chịu. thì ra các em rất thích những chiếc áo có nón đi cùng. Nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng, ánh mắt nhìn trong vắt làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của mình lúc còn nhỏ, cũng tìm cái chữ vất vã nhưng khó khăn của tôi ngày xưa cũng không bằng các em ở đây. Tôi mong rằng khát vọng vươn lên trong cuộc sống bằng tri thức của các em sẽ đạt đến đỉnh thành công. Mai đây các em sẽ là những người hữu ích cho đất nước nói chung, cho buôn làng, cho dân tộc K’ho nói riêng. Chúng tôi hy vọng rằng lớp học sàn gổ tre nứa của các em hôm nay sẽ được thay bằng ngôi trường khang trang hơn, đường đi dễ dàng hơn khi cộng đồng thấy được nỗi khó khăn, vất vã để tìm con chữ của các em qua bài viết của tôi.
          
    (thầy Tam Nhiều và cô Ngọc Mai ngồi sinh hoạt                 (thầy Tam Nhiều, Cẩm Xuân, Kim Trân
                     với các em học sinh)                                           trao quà cho các em học sinh)
                      

                  (trong lớp học)                                                    (chụp chung với các em người dân tộc và các sinh viên)

Rời Darahoa vào buổi trưa trong không khí dịu mát của cao nguyên Lâm Viên, xe lại chầm chậm rẽ qua đường mòn vượt qua cây cầu hồi hộp, xuống con dốc nín thở gần như thẳng đứng chúng tôi ra khỏi rừng và lại tiến dần vào thành phố Đà Lạt nhưng trong tôi vẫn vương vấn mãi hình ảnh của các em. Tôi bỗng ước mình có phép mầu để giúp các em có đủ điều kiện hơn để đến lớp.
Đêm nay tôi và Bạch Mai, Bạch Nga lại trằn trọc. Không phải xa nhà mà nhớ đến các em dân tộc K’ho và cái se lạnh vùng cao làm chúng tôi cứ nhắc mãi về buổi tiếp xúc với các em. Ba chúng tôi mỗi người đều có một ước mơ “làm sao để các em bớt vất vã”

Ngày 07 tháng 7 năm 2013
Sáng sớm chúng tôi rời khách sạn, tìm quán bún Công đường Phù Đổng Thiên Vương, vừa xuống xe thầy Tam Nhiều và cô Ngọc Mai sững sờ khi thấy ông chủ quán rất giống thầy Phu. Thầy Tam Nhiều tranh thủ chụp hình chung với chủ quán 1 tấm để về khoe với thầy Phu. Chúng tôi rời thành phố Đà Lạt trong hơi sương và se lạnh. Mùa nầy thời tiết không lạnh lắm chỉ có mưa làm cho thành phố buồn thêm. Đến Bảo Lộc chúng thôi tranh thủ rẽ vào tham quan thác Dam’Bri. Từ đường Trần Phú vào đến khu du lịch Dam’Bri khoảng 16 km. Có thể nói dòng thác rất hùng vĩ ở độ cao 50 mét. Chúng tôi xuống thác bằng thang máy và lên bằng đường bộ để tham quan hết cái đẹp của thiên nhiên ở đây. Ở đây khoảng 2 tiếng chúng tôi phải tạm biệt Dam’Bri để về Bến Tre nhưng hình ảnh thác Dam’Bri vần còn in vào trong trí của tôi. Hẹn gặp lại Dam’Bri nhé!
Về đến Bến Tre hơn 11 giờ khuya. Nhưng dư âm của chuyến đi vẫn còn quanh quẩn quanh đây. Có thể nói đây là chuyến đi ý nghĩa nhất đối với tôi.

Phạm Cẩm Xuân
Cựu học sinh Trương TH Công Lập Kiến Hoà 69-76

CLB Cựu thanh niên Hồng Thập Tự

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Kế Hoạch Tháng 08 Năm 2013

KẾ HOẠCH KHÁM BỆNH & TẶNG QUÀ THÁNG 08 NĂM 2013

1-Mục đích:
 Câu lạc bộ Cựu Thanh Niên Hồng Thập Tự cám ơn các Nhà Hảo tâm gần xa và các hội viên Thanh Niên Hồng Thập Tự. Để tiếp tục hành trình về với người nghèo và trẻ em đang đi học, Đến tháng 08/2013 đoàn đến Khám bệnh và phát quà cho 400 người nghèo và 200 trẻ em nghèo còn đi học tại 4 xã Giang Quới Đông, Giang Quới Tây, Phú Giang, Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Là 4 xã nghèo thuộc huyện Bình Đại, quanh năm số dân nghèo chuyên đi làm công nhật các vùng lân cận.
Trân trọng Kính Mời các bạn gần xa hỗ trợ đóng góp một ít lòng nhân ái vào đợt khám bệnh phát quà tháng 08 năm 2013.
LIÊN HÊ: di đông: 0918114439 Điền và thư về: huynhdienbt@yahoo.com.vn
CHUYỂN TIỀN ĐẾN: LÊ THỊ BẠCH MAI, tài khoản: 7109205035313 Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Bến Tre chi nhánh Đồng Khởi.
2-Thời gian, điạ điểm:
            -Ngày 14/7/2013: Đi tiền trạm.
            -Ngày 15/7/2013: Vận động các Nhà hảo tâm, các Nhà Tài trợ và các Thành viên câu Lạc Bộ.
            -Ngày 12/8/2013: Phát phiếu khám bệnh và nhận quà.
            -Ngày 25/8/2013: Khám bệnh và tặng quà.
-Điạ điểm: UBND các xã , huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

3-Dự kiến Kinh Phí: Số lượng khám bệnh và nhận quà 1 đợt : 400 người nghèo khám bệnh, 200 người nghèo nhận quà và tặng quà cho 200 trẻ em nghèo còn đi học.
Tổng số tiền là 40.000.000 đồng

            -Cơ số thuốc gồm có: Số tiền dự kiến là 8.000.000 đồng. + Thuốc còn tồn kho lần trước.
                        -Thuốc Cảm sốt, kháng sinh,viêm khớp,tim mạch, các loại vitamin, thuốc trị bệnh ngoài da.
            -Quà tặng: Số tiền dự kiến là 32.000.000 đồng.
                        - Gạo và các thực phẩm khác
                        - Dụng cụ học tập
                        *Số lượng thuốc và quà tặng cho người dân đến khám bệnh tăng giảm theo số tiền quyên góp.

4-Tổ chức thực hiện:
            -Các Thành viên Câu Lạc Bộ xuất phát tại Trụ sở CLB Cựu Thanh Niên Hồng Thập Tự vào lúc 06 giờ ngày 25/8/2013 tự túc, đến 7 giờ 30 sáng ngày 25/8/2013 đến xã
            -Số lượng tham dự: 35 hội viên.
            -Gạo và các thực phẩm khác mua tại các  đại lý tại TP. Bến Tre.
            -Dụng cụ học sinh mua tại các đại lý văn hoá phẩm.
            -Thuốc tân dược được mua tại các Công Ty Dược Phẩm.
            -Liên hệ điạ phương nơi đến làm công việc Từ thiện trước 7 ngày.
-Nơi tổ chức tại Hội trường các xã, huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre
-Khám bệnh và tặng quà 400 người nghèo khám bệnh, 200 người nghèo nhận quà và tặng quà cho 200 trẻ em nghèo còn đi học trong ngày.
            -Tổ chức thành 3 tổ:
                        -1 Tổ khám bệnh: 6 Bác sĩ, 5 Y sĩ, 6 Nhân viên Y tế.
                        -3 Tổ phát thuốc 6 người
                        -2 Tổ tặng quà: 5 người.
                        -3-Tổ trật tự: 3 người 
5-Trên đây là kế hoạch của CLB tháng 08 năm 2013

                                                                                       Bến Tre, ngày 11 tháng 7 năm 2013
                                                                                                TM. Ban Chủ nhiệm CLB



                                                                                                      Huỳnh Văn Điền